Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

TRỌNG HÙNG: Lời bình bài thơ " Mùa thu" của THÁI GIANG


MÙA THU
Trời buông nắng nhẹ sang thu
Có con dế thốt lời ru cỏ mềm
Còn tôi mải miết đi tìm
      Câu thơ lục bát nổi chìm bến thu.
Thái Giang

Lời bình của Trọng Hùng


      Mùa thu là một thi đề hết sức gợi cảm cho thi nhân. Từ ngàn xưa, các thi sĩ Đông phương đã cắm vào đấy những nhành thu khá đẹp. Đời Đường đã có những thi sĩ viết thơ thu nổi tiếng: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Duy, Đỗ Mục, Mạnh Hạo Nhiên… Nhưng phần lớn họ đều ám ảnh về sắc thu, khí thu, gió thu, trời thu, sông thu, nước thu… Mạnh Hạo Nhiên: “Mây trắng mập mờ núi Bắc”. Lý Bạch: “Vẻ thu cây nhuộm một màu”. Đỗ Phủ: “ Gió lay rụng hết lá vàng”. Bạch Cư Dị: “Trời thu đỏ tựa lửa đồng”. Lưu Vũ Tích: “Gió thu đến tận nơi nao. Hắt hiu đưa nhạn ào ào bay qua”.
Và ở Việt Nam, các thi nhân của ta cũng có những câu thơ thu, bài thơ thu bất hủ. Nguyễn Du: “Long lanh đáy nước in trời. Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”. Nguyễn Khuyến: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” – nhất là ba bài thơ thu: “Thu ẩm”, “Thu điếu”, “Thu hứng”, Nguyễn Khuyến đã khái quát một cách tài hoa toàn bộ hồn thu đất Bắc. Bích Khê có hai câu thơ thu không ai không nhớ: “Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng. Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”. Xuân Diệu: “Với áo mơ phai dệt lá vàng”… Nhưng, các nhà thơ Trung Quốc, cũng như các nhà thơ Việt Nam, khi viết về thu đều tập trung bút lực của mình để làm nổi bật các chi tiết: “Lá rụng”, “trời xanh”, “gió heo may”, “nước trong”, “màu vàng” để mùa thu ám ảnh lòng người… Đến thời hiện đại, Hữu Thỉnh lại phát hiện một chi tiết mới lạ: “Hương ổi phả vào trong gió se”, để nói “Sang thu”. Còn bây giờ Thái Giang lại là “con dế” để nói “Mùa thu”:
Trời buông nắng nhẹ sang thu
Có con dế thốt lời ru cỏ mềm
Còn tôi mải miết đi tìm
     Câu thơ lục bát nổi chìm bến thu.
Bốn câu thơ lục bát, với tiêu đề “Mùa thu”, Thái Giang đã thể hiện được sự nhạy cảm, tinh tế, sáng tạo của mình về cảm hứng thu.
      … Mới đây thôi, tháng sáu: như ai đổ chảo lửa từ trên trời làm thiên hạ ngột ngạt, oi nồng. Thế mà sang tháng bảy, tiết trời mưa ngâu, đổ sương xuống, làm cho cái nắng hôm nay dịu nhẹ. Nói theo cách thi sĩ của Thái Giang: “Trời buông nắng nhẹ sang thu”. Từ “buông” một từ bình thường nhưng đứng đúng chỗ nên thú vị làm sao! “Buông” chứ không phải thả. “Buông” thì chả cần gì phải giữ, phải níu kéo. Bởi vì từ “buông” đã có sự gượng nhẹ.Chỉ có thế, thu đã sang. Hai từ “nắng nhẹ” đều là thanh trắc, nhưng từ “nắng” mang dấu sắc, sẽ nặng hơn thanh trắc dấu nặng. Bởi thế hai thanh bằng “sang thu” cứ thế bay lên nhè nhẹ. Câu lục đã hay, câu bát mới thần tình: “Có con dế thốt lời ru cỏ mềm”. Cả tám chữ đều có sức nặng, gần như chữ nào cũng có “danh vị” của nó. Nhưng hai từ “con dế” thì mới thú, nhất là “dế” lại “thốt” mới sinh động chứ! Và bốn chữ “lời ru cỏ mềm” mới tuyệt làm sao. Mùa thu đã rõ đặc trưng của nó. Mùa thu, ngày ấy, sương dày đặc, ông trời không chỉ “buông nắng” mà còn buông cả hàng ngàn con dế mèn trong sương dày, xuống bờ bãi, ruộng đồng. Thích chí, các chú dế gáy te te. Cái thứ gì dế thích nhất? Ấy là cỏ non tươi xanh, đầy mật ngọt ngào. Thái Giang đã nắm bắt hồn của thu, thả vào đấy, những chữ không thể nào chê vào đâu được. Mấy từ “dế thốt lời ru cỏ mềm” gợi cảm thực sự. Có người bảo rằng hình ảnh con dế chẳng có gì mới lạ, vì cách đây 1700 năm, Vương Duy trong bài thơ: “Thơ làm buổi sáng mùa thu ở trong núi” đã nói rồi: “Dế kêu đám cỏ hơi may”. Thực ra câu thơ Vương Duy là câu kể, thiên về tự sự. Còn “con dế” của Thái Giang rẽ về cảm xúc. Thái Giang lấy tình cảm điện lực, cho nên con dế của Thái Giang là con dế trữ tình ngọt lịm. Ta đọc tiếp hai câu thơ sau, ẩn ý của nhà thơ còn sâu xa hơn nữa:
Còn tôi mải miết đi tìm
Câu thơ lục bát nổi chìm bến thu
       “Dế” thì “thốt lời ru cỏ mềm”, còn thi nhân thì “mải miết đi tìm”! Đi tìm gì? Tìm “bến thu” hay đi tìm “câu thơ lục bát”? Có lẽ có cả hai. Bởi thế khi mùa thu hiện nguyên hình thì câu thơ lục bát cũng rất chỉnh, thi sĩ đâu phải tìm nữa. Ẩn số vừa xuất hiện, máy đáp số đã bật lên rõ rành rành. Tài hoa của người cầm bút là chỗ ấy. Mùa thu đã thực sự hiện lên đầu ngọn bút. Nhà thơ vừa “cất bút” thì những đặc trưng tiêu biểu của thu cũng rõ mồn một. Thơ như thế mới thật là thơ.

Trọng Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét