Một tiếng lòng thốt ra thành lời
“Cõng gùi con chữ lên nương” là bài thơ lục bát của tác giả Quang Huỳnh. Đọc bài thơ, tôi cứ ngỡ là “một tiếng lòng thốt ra thành lời”
Theo tôi biết : Quang Huỳnh quê ở miền đồng chiêm trũng Hà Nam. Nhưng, khi đọc bài thơ “Cõng gùi con chữ lên nương” thì cứ ngỡ ông là người vùng rừng sâu, núi thẳm. Hay chí ít cũng là một người đã từng sống ở vùng “trâu đeo mõ, chó leo thang”.
Quả không sai với nhận định của tôi. Bởi lẽ Quang Huỳnh là cán bộ ngành Thủy Lợi. Ông đã từng đi: “xây dựng hồ Kẻ Gỗ” cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý, đến hồ Dầu Tiếng Tây Ninh, đến với Trị An “âm vang mùa xuân”…
Những tên núi, tên sông …và đặc biệt những nơi rừng thiêng, nước độc, đèo cao hun hút của đất nước mình…đã có công sức, trí tuệ của những cán bộ, công nhân ngành Thủy Lợi đến làm đẹp, làm giàu.
Bài thơ “cõng gùi con chữ lên nương” là kết tinh đúc rút những chuyến công tác của những gái, trai ngành Thủy Lợi đã in dấu bước chân lên mọi miền Tổ Quốc.
Tác giả đã mắt thấy, tai nghe những thầy giáo, cô giáo trẻ hăng hái lên những xứ sở heo hút nhất “Cõng gùi con chữ lên nương” tới nơi đèo heo, hút gió, muỗi rừng, vách núi hiểm trở, gian nguy để gieo con chữ của Đảng, Bác Hồ cho con em vùng dân tộc ít người. Là sự kết mở tấm lòng rất đỗi nhân văn. Là sự khâm phục tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”: “Thương thầy cõng chữ lên nương
Ai đã từng leo núi vượt đèo tới những bản mường quanh năm chỉ bạn với mù sương, cheo leo vách núi ….tiếng suối hòa lẫn tiếng chim kêu, vượn hú: mới cảm thấy hết nỗi cực nhọc của các thầy, các cô giáo trẻ cõng gùi con chữ lên nương. Rồi còn phải lần tìm đến từng nhà” leo chín bậc cầu thang đi vận động học trò tới lớp:
Nhà sàn bản đã lên đèn
Đường rừng mưa tối nhá nhem, dầm dề
Mùa đông giá lạnh tái tê
Rét nào cản được yêu nghề giáo viên.
Mặc cho “đường rừng mưa tối nhá nhem, dầm dề” và “gió lạnh tái tê”. Nhưng “ gió nào cản được yêu nghề giáo viên”. Đúng như vậy! Cái rét giá căm căm mùa đông ở vùng núi cao của Tổ Quốc, đâu dễ ngăn cản được bước chân hăm hở của tuổi trẻ thầy cô giáo. Họ thật xứng đáng là những hạt giống đỏ, những cánh chim không biết mỏi của nhân dân, đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng !
Họ dám hy sinh những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống như ánh sáng đèn điện, quạt, ti vi, tủ lạnh để lên với miền heo hút quanh năm chỉ có ngọn đèn dầu hỏa, lúc có, lúc không. Họ mang bầu nhiệt huyết từ trái tim tuổi trẻ đi khám phá vùng đất mới bất chấp hiểm nghèo. Đúng là cái tuổi đôi mươi khi hướng đời đã thấy thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường ! Họ đã xác định được hoài bão sống :
Cái tình hơn cả bạc tiền
Vì đàn em nhỏ ngoan hiền ngây thơ
Dạy em nét chữ y, tờ
Đọc bài, biết viết, làm thơ tặng đời
Viễn cảnh của ngày mai dần dần hiện thực trong từng suy tư của những “kỹ sư tâm hồn : Cõng gùi con chữ” “đến những nơi đàn em nhỏ đang đói, khát chữ”:
Mai ngày tung cánh muôn nơi
Bay đi khắp bốn phương trời đó đây
Trò ngoan mãi nhớ công thầy :
Cõng gùi con chữ từng ngày lên nương .
Bài thơ “Cõng gùi con chữ lên nương” nhìn chung toàn bài về mặt câu chữ : mộc mạc mà đằm thắm. Có thể nói bài thơ đúng là “tiếng lòng” của tác giả : viết đúng như suy nghĩ, thể hiện đúng gam màu cung bậc cảm xúc của một cán bộ Thủy Lợi đã từng “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” cùng nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý …một thời…
Bài thơ khép lại rồi mà hồn cốt nó vẫn ẩn hiện như một điều gì đó vừa lạ,vừa quen : khi các “kỹ sư tâm hồn” “cõng gùi con chữ lên nương”…đến với đàn em nhỏ có đôi mắt ngơ ngác tròn xoe, những mớ tóc rối bù vàng hoe (không quen đội nón) thơm thơm mùi nắng, những đôi chân trần như đàn chim non của núi rừng quanh năm nứt nẻ, đọ gan với đất đá rẻo cao heo hút.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét