Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

THÁI GIANG: Lời bình bài thơ " Lỗi lầm từ đất" của Nguyễn Quang Huỳnh

                                           

                       LỜI CẢNH TỈNH NHỮNG LÒNG THAM VÔ ĐÁY

Góc trào phúng báo Văn Nghệ số 49 ( 3/12/2016) có bài thơ lục bát  “Lỗi lầm từ đất” của nhà thơ Nguyễn Quang Huỳnh. Tôi thực sự ngạc nhiên khi đọc bài thơ này. Vì tôi biết ông thường viết thơ trữ tình nói về quê hương và mẹ
Bài thơ chỉ có 5 câu lục bát, chia làm ba khổ thơ mà nói lên được điều bức xúc rất lớn trong hiện tại của cuộc sống thường ngày.
  Bài thơ không cần đến ngôn từ hoa mĩ : Tác giả đã lột tả được tự đáy lòng nỗi niềm của đông đảo bè bạn, độc giả.
“Lỗi lầm từ đất mà ra /Mất tình bạn hữu giữa ta và mình” không những mất, mà: “ Con một nhà, mẹ cha sinh / Chỉ vì đất cát tuyệt tình anh em”.Rõ ràng vì tranh nhau đất cát, vì lòng tham vô độ đã “ tuyệt tình” anh em. Đau lòng quá chừng khi mà đạo đức đã bị băng hoại vì tham lam mà thành mù quáng, hỏi còn gì nữa không ? Hỡi những con người đã vì tiền và trở thành loài khác, chứ không phải loài người.
  Ở đây tác giả đề cập đến cả nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều góc độ sống khác nhau
                                 “Đất làm đổi trắng thay đen
                                Đất làm cả họ anh em hầu tòa”
Có lẽ kêu trời, hỏi đất cũng khó lý giải bởi những trớ trêu như thế.
                                          “Đất làm tan cửa nát nhà
                                    Đất làm bao kẻ chẳng ra hồn người”
“Chẳng ra hồn người” thì ra hồn gì ? Hồn súc vật hay là hồn ma quái. Ở đây ta để ý thấy Quang Huỳnh điệp khúc bốn lần “Đất làm” ở đầu 4 câu để diễn đạt 4 bối cảnh những kẻ vì tham lam mà: Chẳng ra hồn người ...

   Thế đấy, càng rõ hơn cách đây mấy trăm năm trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du “ Truyện Kiều”, cũng đã phanh phui : “Trong tay đã sẵn đồng tiền / Dẫu rằng đổi trắng, thay đen khó gì”.
  Đến đời con cháu cụ Nguyễn Tiên Điền : Tưởng rằng chí ít thì nó đã khác đi rồi. Nhưng không, một “Lỗi lầm từ đất” của Nguyễn Quang Huỳnh cũng đau đớn không kém cụ đại thi hào, thưa cụ !
   Nếu đem so sánh hai cách viết (có thể là khập khiễng) và không dám! Nhưng lại có điểm chung là : đồng tiền nếu đúng nghĩa thì làm cái bổn phận trao đổi trong cuộc sống đời thường. Đằng này đồng tiền trong tay kẻ bất nhân, hám lợi, lòng tham vô độ...nó trở thành con dao hai lưỡi :
                                        " Bắc thang lên hỏi ông trời
                                   Còn đâu đạo lý ở đời này không ? (!)."
                                                            14 tháng 6 năm 2017
                                                                   Thái Giang.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét